Lửa đã cháy sau lưng...
-Trưa
nay, có việc đi qua đường Xã Đàn 2 (Đống Đa, Hà Nội), tôi gặp một đám
đánh nhau của mấy cậu học sinh cấp 3 của ngôi trường gần đó. Mấy người
đàn ông trong quán nước thấy cảnh đó dửng dưng nhìn và tiếp tục tán
chuyện, chỉ có chị bán hàng sốt sắng chạy ra can...
Tan học ở cổng trường cấp III (ảnh minh họa) |
Lúc tôi bắt đầu chứng kiến thì vụ xô xát
đã vào bước cao trào, một cậu béo, xăm trổ đầy tay vừa chửi tục và tát
bốp vào mặt một cậu khác đang ngồi trong quán nước, tiếp đó là một cú
huých cùi chỏ vào ngực nghe đến hự một cái. Cậu nạn nhân nén đau, chửi
lầm bầm trong mồm, chung quanh lũ bạn xì xồ như đổ thêm dầu vào lửa.
Mấy người đàn ông đang ngồi uống nước
gần đó, chỉ cách có vài chiếc ghế con, thản nhiên nhìn đám xô xát và
quay sang tán chuyện, chị bán hàng thấy đánh nhau chạy ra, lôi cậu béo
xăm trổ ra, chị bảo: “Chúng mày là học sinh, không được đánh nhau, ra
chỗ khác cho bác còn bán hàng”.
Cậu béo xăm trổ chạy ra ngõ. Cậu bị đánh
rút điện thoại di động ra, vừa chửi tục vừa gọi “hội” đến. Lúc tôi đi
ra thì thấy cậu béo xăm trổ đang đứng với một nhóm khác ở đầu ngõ, hung
hăng bảo: “Đ. mẹ nó, tao chờ nó ở đây xem nó dám làm gì nào”. Tôi bảo
cậu: “Thôi giải tán đi, đừng đánh nhau nữa các cháu ơi”. Bọn trẻ nhếch
mắt nhìn tôi khinh bỉ, đương nhiên rồi.
Tôi nghĩ tới con trai mình, và thấy lo
quá đi, mặc dù bây giờ cháu mới chỉ đang học năm đầu tiên ở trường tiểu
học. Nếu mười năm nữa, nó lớn lên, ở trong môi trường học hành thế này,
sẽ không tránh khỏi xô xát với bọn bạn cùng lớp, liệu nó có bị bạn đánh
cho như thế không, hay có gọi “hội” đến để trả thù bạn mình không?
Rồi tôi nghĩ tới bố mẹ, thầy cô giáo của
những đứa trẻ đang dàn trận đánh nhau và chửi tục ở trước cổng trường
kia, liệu họ có biết chúng đang vùng vẫy tập làm quen với những trò bạo
lực man rợ? Đã có bao nhiêu vụ xô xát đến chết người từ những vụ mâu
thuẫn cỏn con trong trường học thế này. Bạn giết bạn, trò giết thầy.
Nhớ tới những năm chúng tôi học cấp ba,
khoảng 20 năm về trước, trường học ít bạo lực hơn bây giờ rất nhiều. Lũ
chúng tôi hồi đó chỉ cắm cúi vào học và học, bố mẹ chưa khá giả, có tiền
cho đi học là may. Mâu thuẫn bạn bè trong trường, trong lớp cùng lắm
cũng chỉ là ghét tới mức không nhìn nhau, không chơi với nhau thì thôi.
Rất ít có những vụ “thanh toán” nhau kinh hoàng như bây giờ.
Là lỗi tại ai? Người lớn chúng ta đã
sống thế nào, đã “nêu gương” ra sao để cho lũ trẻ lớn lên hoang dại như
vậy? Mở miệng là văng tục (con gái bình đẳng như con trai), rồi đánh
nhau, quay clip, thậm chí giết người?
Ai cũng biết đạo đức xã hội đang xuống
cấp lắm rồi, người lừa người, giẫm đạp lên nhau, thí mạng nhau để đổi
lấy lợi danh cho mình. Nhưng nhìn vào những đám đánh nhau của trẻ con ở
trước cổng trường thế này, tôi mới thấy cái sự xuống cấp ấy đã trở thành
đám lửa cháy bén dính vào lớp áo sau lưng mình rồi, không còn xa xôi
nữa đâu.
Mới hôm qua, đọc những lời phát biểu tâm
huyết của giáo sư Ngô Bảo Châu khi trò chuyện với sinh viên: "Đã rất
nhiều người chỉ ra những bất cập của nền giáo dục nước nhà, và tôi cũng
thấy không cần thiết phải góp thêm một tiếng nói của mình vào đó. Nhưng
nếu chỉ nêu một vấn đề lớn nhất, thì đó chính là mức độ tha hóa của cả
một hệ thống", tôi đã thấy vô cùng thấm thía. Hôm nay, nhìn thấy đám
đánh nhau này, tôi càng buồn nản nhiều hơn.
Một nền giáo dục không còn lấy sự trung
thực làm nền tảng sẽ sinh ra những con người thế nào? Bệnh thành tích,
quay cóp thi cử, mua bán điểm, lũng đoạn đạo đức thầy trò, ai cũng thấy
mà đồng lòng bất lực, để nhắm mắt tin vào những con số giáo sư tiến sĩ
ngày một đông lên theo cấp số nhân.
Mới đây, Bộ Giáo dục đào tạo còn làm
người dân sửng sốt khi quyết định thí sinh thi đầu vào các trường nghệ
thuật không phải thi môn Văn. Đấy nhé, các bạn trẻ yên tâm đi, cần gì
phải thuộc một câu thơ để nuôi dưỡng tâm hồn, cần gì phải biết cảm thụ
một áng văn đẹp để dẫn dắt chính mình vượt qua những hố sâu đen ngòm của
cái ác, sự giả dối và bất công.
Những đứa trẻ đánh nhau ở cổng trường
hôm nay, chắc chắn đã không được dạy cách để kìm nén những bức xúc trong
tâm tính phức tạp tuổi mới lớn và biết cư xử như những người có giáo
dục. Chúng chắc chắn đã không được dạy những bài học đạo đức cơ bản để
biết “thương người như thể thương thân”. Chúng đã không được dạy để trở
thành những người đàn ông đích thực của tương lai, ngu tối tới mức giải
quyết tất tật mọi mâu thuẫn trên đời bằng bạo lực và nắm đấm.
Người lớn đang quan tâm đến vấn đề gì
hôm nay? Tất nhiên chúng ta đang vật lộn bở hơi tai để duy trì cuộc sống
với những con số lạm phát nhảy múa, đang bối rối đối phó với những
chính sách, nghị định nay thế này, mai thế khác của các cơ quan chức
năng, đang lo lắng về những cuộc chiến tranh có thể xảy ra nay mai ở một
nơi nào đó trên thế giới.
Nhưng có người lớn nào cảm thấy phát sốt
lên vì đám trẻ đang đánh nhau nhiều hơn ở trước mỗi cổng trường? Vì
chúng đang chửi tục nhiều hơn, giả dối nhiều hơn, bớt yêu thương nhiều
hơn?
Tôi mong mỗi ông bố bà mẹ, đừng phó mặc
con trẻ cho nhà trường. Hãy dành thời gian cho con cái mình nhiều hơn,
để cùng giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày của chúng. Kẻo không,
lửa đã cháy ngùn ngụt sau lưng chúng ta rồi.
- Mi An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.