Tổng số lượt xem trang

Powered By Blogger

Tìm kiếm Blog này

Trang

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Lỗ nhỏ đắm thuyền

 
Trên sườn núi Long’s Peak ở Colorado có một cây đại thụ khổng lồ bị tàn phá còn trơ lại mỗi một khúc thân. Những nhà thực vật học đoán cây đó sống khoảng 400 năm. Hồi Columbus đặt chân lên đất El Salvador nó đã có rồi và khi những tu sĩ tới gây dựng sự nghiệp ở Plymouth, nó mới sống được nửa đời của mình. 
Trong đời sống dài đằng đẵng suốt bốn thế kỷ đó, nó bị sét đánh 14 lần và trải qua biết bao lần tuyết băng, giông tố mà vẫn sống. Về sau, nó bị một đàn sâu đục khoét hết lớp vỏ này đến lớp vỏ khác, mỗi ngày gặm nhấm từng chút một liên tiếp không ngừng. 
Dần dần cây cổ thụ trở nên mục ruỗng và ngã đổ. Thành thử một cây cổ thụ khổng lồ chống chọi nổi với thời gian, với sấm sét, với giông tố mà rốt cuộc lại bị hạ vì những con sâu tí hon, nhỏ xíu tới nỗi có thể bẹp nát giữa hai đầu ngón tay người…
Nhiều người chúng ta cũng từng vinh quang chiến thắng được sấm sét, giông tố, vượt qua cả trời long đất lở trong đời, để rồi bị những phiền muộn, giận hờn vặt vãnh, tầm thường đánh gục. Những điều vụn vặt ấy có khác chi những con sâu nhỏ kia có thể phá hủy cuộc sống chúng ta từng ngày. 
Vì thế, đừng bao giờ để những con sâu ấy len lỏi trong tâm hồn, khi chúng ta có thể bóp bẹp chúng chỉ bằng hai đầu ngón tay!

ST

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Điều đó rồi cũng qua đi

 
Một ngày nọ, vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cần thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: “Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ và ta cho ông sáu tháng để tìm chiếc vòng đó”.
Benaiah trả lời: “Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?”.
Nhà vua đáp: “Nó có những sức mạnh kỳ diệu. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn nhìn vào nó sẽ thấy vui”. Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.
Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế.
Vào đêm trước ngày lễ, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi: “Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?”. Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng ngời một nụ cười.
Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mùa lễ hội. “Nào, ông bạn của ta – vua Salomon hỏi – ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?”. Tất cả cận thần có mặt đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười.
Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: “Nó đây, thưa đức vua”. Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó có khắc dòng chữ: “Điều đó rồi cũng qua đi“.
Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó ông cũng chỉ là cát bụi…

ST

Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

Lửa đã cháy sau lưng...

-Trưa nay, có việc đi qua đường Xã Đàn 2 (Đống Đa, Hà Nội), tôi gặp một đám đánh nhau của mấy cậu học sinh cấp 3 của ngôi trường gần đó. Mấy người đàn ông trong quán nước thấy cảnh đó dửng dưng nhìn và tiếp tục tán chuyện, chỉ có chị bán hàng sốt sắng chạy ra can...

a
Tan học ở cổng trường cấp III (ảnh minh họa)
Lúc tôi bắt đầu chứng kiến thì vụ xô xát đã vào bước cao trào, một cậu béo, xăm trổ đầy tay vừa chửi tục và tát bốp vào mặt một cậu khác đang ngồi trong quán nước, tiếp đó là một cú huých cùi chỏ vào ngực nghe đến hự một cái. Cậu nạn nhân nén đau, chửi lầm bầm trong mồm, chung quanh lũ bạn xì xồ như đổ thêm dầu vào lửa.
Mấy người đàn ông đang ngồi uống nước gần đó, chỉ cách có vài chiếc ghế con, thản nhiên nhìn đám xô xát và quay sang tán chuyện, chị bán hàng thấy đánh nhau chạy ra, lôi cậu béo xăm trổ ra, chị bảo: “Chúng mày là học sinh, không được đánh nhau, ra chỗ khác cho bác còn bán hàng”.
Cậu béo xăm trổ chạy ra ngõ. Cậu bị đánh rút điện thoại di động ra, vừa chửi tục vừa gọi “hội” đến. Lúc tôi đi ra thì thấy cậu béo xăm trổ đang đứng với một nhóm khác ở đầu ngõ, hung hăng bảo: “Đ. mẹ nó, tao chờ nó ở đây xem nó dám làm gì nào”. Tôi bảo cậu: “Thôi giải tán đi, đừng đánh nhau nữa các cháu ơi”. Bọn trẻ nhếch mắt nhìn tôi khinh bỉ, đương nhiên rồi.
Tôi nghĩ tới con trai mình, và thấy lo quá đi, mặc dù bây giờ cháu mới chỉ đang học năm đầu tiên ở trường tiểu học. Nếu mười năm nữa, nó lớn lên, ở trong môi trường học hành thế này, sẽ không tránh khỏi xô xát với bọn bạn cùng lớp, liệu nó có bị bạn đánh cho như thế không, hay có gọi “hội” đến để trả thù bạn mình không?
Rồi tôi nghĩ tới bố mẹ, thầy cô giáo của những đứa trẻ đang dàn trận đánh nhau và chửi tục ở trước cổng trường kia, liệu họ có biết chúng đang vùng vẫy tập làm quen với những trò bạo lực man rợ? Đã có bao nhiêu vụ xô xát đến chết người từ những vụ mâu thuẫn cỏn con trong trường học thế này. Bạn giết bạn, trò giết thầy.
Nhớ tới những năm chúng tôi học cấp ba, khoảng 20 năm về trước, trường học ít bạo lực hơn bây giờ rất nhiều. Lũ chúng tôi hồi đó chỉ cắm cúi vào học và học, bố mẹ chưa khá giả, có tiền cho đi học là may. Mâu thuẫn bạn bè trong trường, trong lớp cùng lắm cũng chỉ là ghét tới mức không nhìn nhau, không chơi với nhau thì thôi. Rất ít có những vụ “thanh toán” nhau kinh hoàng như bây giờ.
Là lỗi tại ai? Người lớn chúng ta đã sống thế nào, đã “nêu gương” ra sao để cho lũ trẻ lớn lên hoang dại như vậy? Mở miệng là văng tục (con gái bình đẳng như con trai), rồi đánh nhau, quay clip, thậm chí giết người?
Ai cũng biết đạo đức xã hội đang xuống cấp lắm rồi, người lừa người, giẫm đạp lên nhau, thí mạng nhau để đổi lấy lợi danh cho mình. Nhưng nhìn vào những đám đánh nhau của trẻ con ở trước cổng trường thế này, tôi mới thấy cái sự xuống cấp ấy đã trở thành đám lửa cháy bén dính vào lớp áo sau lưng mình rồi, không còn xa xôi nữa đâu.
Mới hôm qua, đọc những lời phát biểu tâm huyết của giáo sư Ngô Bảo Châu khi trò chuyện với sinh viên: "Đã rất nhiều người chỉ ra những bất cập của nền giáo dục nước nhà, và tôi cũng thấy không cần thiết phải góp thêm một tiếng nói của mình vào đó. Nhưng nếu chỉ nêu một vấn đề lớn nhất, thì đó chính là mức độ tha hóa của cả một hệ thống", tôi đã thấy vô cùng thấm thía. Hôm nay, nhìn thấy đám đánh nhau này, tôi càng buồn nản nhiều hơn.
Một nền giáo dục không còn lấy sự trung thực làm nền tảng sẽ sinh ra những con người thế nào? Bệnh thành tích, quay cóp thi cử, mua bán điểm, lũng đoạn đạo đức thầy trò, ai cũng thấy mà đồng lòng bất lực, để nhắm mắt tin vào những con số giáo sư tiến sĩ ngày một đông lên theo cấp số nhân.
Mới đây, Bộ Giáo dục đào tạo còn làm người dân sửng sốt khi quyết định thí sinh thi đầu vào các trường nghệ thuật không phải thi môn Văn. Đấy nhé, các bạn trẻ yên tâm đi, cần gì phải thuộc một câu thơ để nuôi dưỡng tâm hồn, cần gì phải biết cảm thụ một áng văn đẹp để dẫn dắt chính mình vượt qua những hố sâu đen ngòm của cái ác, sự giả dối và bất công.
Những đứa trẻ đánh nhau ở cổng trường hôm nay, chắc chắn đã không được dạy cách để kìm nén những bức xúc trong tâm tính phức tạp tuổi mới lớn và biết cư xử như những người có giáo dục. Chúng chắc chắn đã không được dạy những bài học đạo đức cơ bản để biết “thương người như thể thương thân”. Chúng đã không được dạy để trở thành những người đàn ông đích thực của tương lai, ngu tối tới mức giải quyết tất tật mọi mâu thuẫn trên đời bằng bạo lực và nắm đấm.
Người lớn đang quan tâm đến vấn đề gì hôm nay? Tất nhiên chúng ta đang vật lộn bở hơi tai để duy trì cuộc sống với những con số lạm phát nhảy múa, đang bối rối đối phó với những chính sách, nghị định nay thế này, mai thế khác của các cơ quan chức năng, đang lo lắng về những cuộc chiến tranh có thể xảy ra nay mai ở một nơi nào đó trên thế giới.
Nhưng có người lớn nào cảm thấy phát sốt lên vì đám trẻ đang đánh nhau nhiều hơn ở trước mỗi cổng trường? Vì chúng đang chửi tục nhiều hơn, giả dối nhiều hơn, bớt yêu thương nhiều hơn?
Tôi mong mỗi ông bố bà mẹ, đừng phó mặc con trẻ cho nhà trường. Hãy dành thời gian cho con cái mình nhiều hơn, để cùng giải quyết những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày của chúng. Kẻo không, lửa đã cháy ngùn ngụt sau lưng chúng ta rồi.
  • Mi An

Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

Cái Chén Gỗ


Có một người đàn ông già ốm yếu chuyển đến sống cùng với người con trai, con dâu và một cháu trai bốn tuổi. Ông đã quá già nên bàn tay ông run run, mắt thì mờ và những bước đi loạng choạng.
Một hôm cả nhà cùng nhau ăn bữa tối nhưng bàn tay người cha già run rẩy nên rất khó khăn trong việc ăn uống, ông đã làm rơi vãi thức ăn xuống sàn. Khi ông cố cầm lấy chiếc cốc thì sữa lại sóng sánh ra khăn trải bàn.
Người con trai và người con dâu bắt đầu trở nên khó chịu với tình trạng bừa bộn của ông. Người con trai bèn nói với vợ: “Chúng ta phải làm cái gì đó cho cha, tôi chịu đựng quá đủ những thứ như sữa tràn ra ngoài, tiếng loảng xoảng trong ăn uống và thức ăn rơi xuống sàn rồi”. Thế rồi vợ chồng người con liền để một chiếc bàn nhỏ ở góc nhà.
Vậy là từ đó người cha già ăn một mình ở chiếc bàn nhỏ trong khi cả nhà vui vẻ bên chiếc bàn lớn. Ông lại làm vỡ chiếc đĩa của mình mấy lần và người con lại chuyển cho ông sang chiếc bát gỗ để đựng thức ăn. Họ chỉ nhìn lướt qua ông rồi lại vui vẻ trò chuyện với nhau, mặc cho những giọt nước mắt ứ đọng trong đôi mắt người cha khi ông ngồi ăn một mình. Thỉnh thoảng họ lại càu nhàu khiển trách ông mỗi lần ông làm rơi thìa hay thức ăn ra ngoài. Chỉ riêng đứa con trai bốn tuổi của họ thì im lặng theo dõi tất cả.
Vào một buổi tối trước bữa ăn, người cha chú ý đứa con nhỏ của mình đang nghịch những mảnh gỗ trên sàn. Anh ta ấu yếm hỏi đứa trẻ:
- Con đang làm gì vậy?
Đứa trẻ mỉm cười trả lời:
- Con đang làm những chiếc bát gỗ nhỏ để cha mẹ đựng thức ăn khi sau này cha mẹ về già.
Đứa trẻ tiếp tục mỉm cười nhìn cha rồi nhanh chóng quay trở lại công việc dở dang của nó. Câu trả lời của đứa trẻ khiến bố mẹ nó sững sờ.
Nước mắt bắt đầu lăn trên má họ. Mặc dù không có một lời nào được thốt ra nhưng họ biết họ cần phải làm gì. Bữa tối hôm đó người chồng cầm lấy bàn tay của ông cụ và dịu dàng dắt ông ra bàn ăn cùng mọi người.
Từ đó người cha già lại bắt đầu cùng ngồi ăn với con cái và đứa cháu nhỏ. Vợ chồng người con cũng không còn để ý đến những chuyện như chiếc thìa bị rơi, sữa đổ ra ngoài hay chiếc khăn trải bàn bị bẩn nữa.
Trẻ con có những cảm nhận rất ngây thơ nhưng lại đáng chú ý cho chúng ta học hỏi. Chúng quan sát bằng mắt, chúng lắng nghe bằng đôi tai và tư duy của chúng được hình thành khi tiếp nhận những thông điệp từ người lớn.
Nếu chúng nhìn thấy chúng ta đang cố gắng tạo dựng một bầu không khí gia đình ấm ấp và đầy yêu thương cho những thành viên trong nhà, chúng sẽ học theo thái độ đó cho cuộc sống của chúng khi lớn lên. Các bậc cha mẹ nên biết rằng từng cử chỉ nhỏ bé thôi cũng sẽ tạo nên nhân cách tương lai của đứa trẻ.
Hãy bắt đầu xây dựng cho trẻ từ những viên gạch nhỏ của yêu thương ngay từ bây giờ, ngay ngày hôm nay và mỗi ngày đều như vậy.
(st)

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

Người Vợ Chung Thủy Nhất


Một thương nhân giàu có có 4 bà vợ.
Ông yêu người vợ thứ tư nhất, ông tự hào về người vợ thứ ba, ông tìm đến người vợ thứ hai như một người bạn tâm tình, nhưng hầu như chẳng bao giờ chú ý đến người vợ thứ nhất…
Ông nâng niu chiều chuộng, coi người vợ thứ tư như một món đồ trang sức quý, luôn mua sắm cho bà ta những bộ đồ sang trọng đắt tiền.
Ông cũng rất yêu người vợ thứ ba. Ông tự hào về người vợ này và luôn muốn “khoe” vợ với bạn bè. Tuy nhiên, trong ông luôn thường trực nỗi lo sợ bà bỏ đi với người đàn ông khác.
Ông cũng yêu người vợ thứ hai. Ông coi bà như người bạn tâm tình, người giúp ông vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Bất cứ khi nào gặp khúc mắc, ông đều tìm đến bà.
Người vợ thứ nhất lại là người rất chân thành, chung thuỷ, luôn kề vai sát cánh bên ông lo toan chu đáo chuyện gia đình. Tuy nhiên, ông lại không yêu bà vợ thứ nhất. Mặc dù bà rất yêu ông, ông hầu như chẳng bao giờ chú ý đến bà.
Một ngày, ông ngã bệnh. Ông biết rằng mình sắp từ giã cõi trần. Ông nghĩ về cuộc sống giàu sang xa hoa và tự nhủ: “Hiện mình có 4 bà vợ. Nhưng khi mình chết, lại chỉ có một mình. Thật cô đơn làm sao!”.
Ông ta hỏi bà vợ thứ tư: “Tôi yêu mình nhất, luôn dành cho mình sự quan tâm đặc biệt và những điều tốt đẹp nhất. Tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa, liệu khi tôi chết, mình có nguyện đi theo tôi không?”. “Không đâu” – Bà vợ thứ tư đáp lại và bước đi.
Người vợ thứ ba vốn là niềm tự hào của ta, rồi cũng sẽ bước đi theo người khác, bỏ mặc ta mà thôi. Ông hỏi người vợ thứ ba: “Tôi yêu bà nhiều lắm, tôi sắp chết rồi, bà có nguyện theo tôi không?”. “Không, cuộc sống vẫn đang đẹp mà. Sau khi ông chết, tôi sẽ tái hôn”. Trái tim ông run lên đau đớn.
Sau đó, ông hỏi người vợ thứ hai: “Bất cứ khi nào gặp vấn đề khó khăn rắc rối gì tôi cũng đều tìm đến bà. Bây giờ tôi xin bà hãy kề vai sát cánh cùng tôi lần cuối cùng. Khi tôi chết, bà có nguyện đi theo tôi không?”. Bà vợ thứ hai trả lời: “Xin lỗi, lúc này tôi không thể giúp ông được. Nếu có, tôi chỉ đưa linh cữu ông ra mộ thôi”. Người vợ thứ hai – người bạn tâm tình thân thiết thủy chung của ta cũng chỉ khóc khi ta chết, đưa ta ra đến mộ rồi quay đầu. Ông nghe câu trả lời mà như sét đánh ngang tai. Ông thực sự quá đau đớn vì người mà ông nghĩ có thể tin tưởng nhất cũng bỏ rơi ông.
Bỗng có một giọng nói cất lên: “Tôi sẽ đi cùng ông, đi đến bất cứ nơi nào ông tới”. Ông dáo dác tìm kiếm chủ nhân của giọng nói và nhận ra đó chính là người vợ thứ nhất, người mà chẳng mấy khi ông để ý tới. Trông bà gầy và xanh xao quá. Rưng rưng xúc động, ông nói: “Đáng lẽ ra trước đây tôi phải chăm sóc bà nhiều hơn nữa”. Chỉ có duy nhất người vợ cả, người thường bị ta bỏ mặc, lãng quên khi sống… là kiên quyết đi theo, yêu thương ta cả cuộc đời.
Mỗi chúng ta ai cũng có 4 bà vợ. Bà vợ thứ tư chính là thân thể của chúng ta. Cho dù ta có chăm chút, trau chuốt đến mấy, rồi nó cũng rời bỏ ta khi ta chết. Còn bà vợ thứ ba? Đó chính là của cải, địa vị. Khi chúng ta chết, chúng sẵn sàng đi theo người khác. Bà vợ thứ hai chính là gia đình và bạn bè. Cho dù có thân thiết đến mức độ nào, khi ta chết, họ cũng chỉ khóc đưa ta ra mộ mà thôi. Bà vợ thứ nhất chính là tâm hồn ta, thường bị lãng quên khi ta chạy theo tiền tài, địa vị, danh vọng, của cải, nhưng nó sẽ theo ta suốt cuộc đời. Tốt hơn hết là nuôi dưỡng tâm hồn ngay từ bây giờ, vì đó là “người” thân tín nhất bên ta. Đừng để phải hối hận vì đã lãng quên nó

ST