Đạt Ma Dịch Cân Kinh
( Bác sĩ Lê Quốc Khánh - Hoa Kỳ)
Lời thưa:
Sau khi đọc lần đầu tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh, tôi chỉ mỉm cười,
không mấy tin tưởng vì thấy phương pháp chữa trị những bịnh nan y một cách dễ
dàng và quá đơn giản.
Tôi cũng xin tự giới thiệu để quý vị thấy rằng tôi đã được đào tạo và phục
vụ Tây y qua nhiều thời kỳ. Đến nay tôi đã có bốn mươi chín năm y nghiệp, đã
từng làm việc trong các bịnh viện Quân và Dân Y lớn nhất nhì trong nước Việt
Nam Cộng Hòa, đã từng làm việc với người Pháp. Mỹ và Phi Luật Tân; đã từng là
cộng sự viên của Bác sĩ Đinh văn Tùng, nghiên cứu chữa trị bịnh ung thư qua
phẫu thuật (1936-1965). Tôi muốn nói rằng tôi có lý do để tin tưởng Tây y là
một ngành khoa học có nhiều thành tích đáng tin cậy trong việc bảo vệ sức khỏe
của con người. Cũng vì vậy mà tôi gần như có thái độ thờ ơ khi tiếp nhận Đạt Ma
Dịch Cân Kinh.
Thế rồi một hôm, có người bạn cùng tuổi với tôi (sanh năm 1932) đi xe đạp
ghé thăm. Tôi được nghe anh kể là anh đã khám bịnh ở Bịnh viện Chợ Rẫy, qua các
xét nghiệm y khoa tối tân và các bác sĩ đã định bịnh cho anh: Ung thư gan, Lao thận.
Anh thấy hoàn toàn thất vọng. Vì nếu vấp phải một trong hai chứng bịnh ấy
cũng đủ chết rồi, huống chi mắc cả hai chứng bịnh nan y cùng một lúc. Cuối cùng
anh có được tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh. “Cái phao mà anh đã níu được khi
đang chới với giữa biển khơi” . Anh cố gắng tập, kiên trì thực hiện theo đúng
tài liệu, và kết quả là anh đã thắng bịnh tật. Hiện nay anh sống khỏe mạnh bình
thường, làm việc hớt tóc, có khi anh phải đứng hàng giờ để làm công việc, thế
mà anh vẫn bình thường như bao người khác. Từ
đó đến nay, đã bốn năm, anh vẫn tập đều đặn. Nhìn tư thế và sắc diện, không ai
nghĩ là anh đã mắc phải bịnh nan y. Thỉnh thoảng anh đi xe đạp đến thăm tôi.
Cũng từ đó, tôi chú tâm nghiên cứu Dịch Cân Kinh.
Đầu năm 1986, tôi đã truyền đạt tài liệu này cho một người bạn trẻ bị bịnh lao phổi, không được điều trị đúng cách vì hoàn cảnh bản thân cũng như xã hội vào
thập niên 80. Cuối cùng anh đã gầy guộc chỉ còn có 32kg trong cơ thể suy nhược,
đã mấy lần cứ tưởng là không qua khỏi. Và anh đã vớt vát chút hy vọng còn lại,
anh đã tập Yoga. Kết quả cơ thể có phần nào phục hồi nhưng vẫn yếu đuối. Suốt
mùa Đông, anh vẫn không ra khỏi nhà, nhìn sắc diện, vẫn lộ những nét bịnh hoạn.
Sau khi nhận được tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh , anh đã cố gắng kiên
trì luyện tập, thời gian đầu bạn tôi cũng gặp những phản ứng như ghi trong tài
liệu. Dần dần anh qua được bước đầu vất vả, và gần cuối năm 1986, sau bốn tháng
luyện tập, anh đã ho tống ra một khối huyết cứng to bằng trứng chim cút, và sau
đó anh từ từ hồi phục sức khỏe, da dẻ hồng hào, vẻ mặt vui tươi, và mãi đến nay
anh vẫn giữ được sắc thái của người bình thường không bịnh hoạn.
Một trường hợp khác, bạn tôi, sinh năm 1931, bị bịnh Parkinson đã
bốn năm nay, đã chữa trị Đông, Tây y, thuốc gia truyền và nhân điện...Lẽ dĩ
nhiên là bịnh không khỏi. Vì bịnh Parkinson cho đến nay, loài người vẫn bó tay.
Sau khi nghiên cứu và luyện tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh, bạn tôi cũng gặp phản
ứng như ghi trong tài liệu. Tuy vậy, anh vẫn kiên trì tập đều đặn. Tuy hiện nay
bịnh Parkinson không lành hẳn, song bịnh được ngăn chận giới hạn ở mức chỉ rung
có hai bàn tay. Còn các khớp, nhất là khớp tay và chân, vẫn cử động bình
thường, không gặp một khó khăn trở ngại nào mà lẽ ra, đúng theo các triệu chứng
điển hình, thì bịnh càng lâu, các khớp bị cứng và hạn chế cử động cho đến một
lúc nào đó sẽ bị cứng khớp, không cử động được nữa. Bịnh kéo dài bốn năm nay
nhưng anh vẫn sinh hoạt bình thường, có nghĩa là bịnh bị ngăn chận ở một mức độ
có thể chấp nhận được.
Một trường hợp nữa là một anh bạn sinh năm 1930 bị béo phì, cao huyết áp,
rối loạn tiêu hóa kinh niên. Từ hơn ba mươi năm nay, anh đã dùng vô số
thuốc Đông, Tây y và châm cứu nhưng vẫn quanh quẩn hết chứng này đến tật khác,
không ngày nào vắng thuốc. Anh đã tiếp nhận Dịch Cân Kinh, và sau thời gian tập
luyện cũng có những phản ứng như đã ghi trong tài liệu, và sau đó, anh phục hồi
sức khỏe, nhất là rối loạn tiêu hóa không còn nữa, ít khi phải dùng thuốc trị
cao huyết áp. Anh ca ngợi Dịch Cân Kinh là môn thuốc trị bá bịnh.
Qua bốn trường hợp mà tôi đã theo dõi hai năm nay, chưa phải là nhiều, tôi
đã phải công nhận Đạt Ma Dịch Cân Kinh là một phương pháp chữa được nhiều bịnh
hiểm nghèo mà hiện nay Tây y nhiều khi phải bó tay.
Đọc qua tài liệu Dịch Cân Kinh, chúng ta thấy
vấn đề kỹ thuật luyện tập không có gì khó khăn, rất dễ tập. Điều cần nhấn mạnh
ở đây là ý chí, quyết
tâm. kiên trì và thường
xuyên. Nếu vượt qua được những điều này, tôi tin
chắc rằng chúng ta sẽ gặt hái được những kết quả mỹ mãn.
Năm 1943, khi giảng lớp Quân y Khóa 1, Phân khu Bình Trị Thiên và Trung
Lào, thầy tôi, Bác sĩ Bùi Thiện Sự đã nói: “Nghề nghiệp của chúng ta có nhiệm
vụ cao cả là phụng sự và làm vơi đi những đau khổ của nhân loại”. Để ghi nhớ
lời dạy ấy của Thầy, tôi nguyện truyền đạt cho bất cứ ai, những gì mà tôi nghĩ
sẽ giúp ích được cho mọi người.
Bây giờ tập tài liệu Đạt Ma Dịch Cân Kinh đối với tôi là một phương thuốc
quý giá giúp cho đời. Tôi đã hối hận về nỗi thờ ơ của mình buổi ban đầu, khi
mới tiếp nhận tài liệu này.
Miền Đông ngày 7 tháng 3 năm 1997
Bác sĩ Lê Quốc Khánh
SỰ TÍCH
ĐẠT MA DịCH CÂN KINH
Năm 917 (sau Tây lịch), Đạt Ma Tổ Sư từ Ấn Độ sang Trung Quốc thuyết pháp
và truyền giáo, sau ở lại Trung Sơn, Hà Nam, xây dựng chùa Thiếu Lâm, đã có
nhiều đệ tử nhập môn học Phật để mai sau đi truyền giáo. Ông nhận thấy nay đem
một tín ngưỡng đi truyền tụng có khi trái với tín ngưỡng của dân bản xứ, dễ xảy
ra xung đột. Do vậy các đệ tử của ông vừa lo học lý thuyết Phật Pháp vừa phải
luyện võ để tự vệ (Môn phái Thiếu Lâm xuất hiện và tồn tại đến ngày nay).
Nhiều người xin nhập môn nhưng thể lực kém, không thể luyện võ được, Tổ Sư
bèn truyền đạt một phương pháp luyện tập được gọi là Đạt Ma Dịch Cân Kinh để
chuyển biến thể lực yếu kém thành mạnh khỏe. Cách tập đơn giản nhưng hiệu quả
to lớn vì tiêu trừ được các bịnh tật hiểm nghèo.
Ngày nay người ta nghiên cứu là phương pháp này chữa được rất nhiều bịnh,
ngay cả bịnh ung thư cũng khỏi và bây giờ người ta áp dụng lý thuyết khí
huyếtcủa Đông y để chứng minh. Sức khỏe của con
người liên quan chặt chẽ với khí huyết, về điều này thì ta thấy rõ ràng.
Trong Đông y, cái gọi là
huyết thì không thể hạn chế và tách ra từng mặt như máu loãng hay đặc, hồng cầu
nhiều hay ít, sắc tố như thế nào...mà nghiên cứu, mà dùng cách nhìn nhận toàn
diện của quá trình sinh lý và quá trình tuần hoàn của huyết mà xem xét. Theo Đông y, một khi khí huyết không thông là tắt kinh lạc, do
vậy các phế vật trong cơ thể cần thải mà không thải ra được. Vì máu lưu thông
chậm, nên các chất keo, dịch, gân và các chất khô... không đủ nhiệt năng nên
công năng của máu giảm sút không thể thải được những chất cần thiết trong cơ
thể ra ngoài.
Luyện Dịch Cân Kinh, tay
vẫy đúng phép, miệng, dạ dày mở, máu mới sinh ra nhiệt năng đầy đủ, làm các vật
chèn ép mất thăng bằng trong cơ thể bị xóa bỏ thì mới khỏi bịnh.
Vậy theo Dịch Cân Kinh, cơ hoành lên xuống dễ dàng, ruột, dạ dày, thận tiếp được khí nên gây được tác dụng
hưng phấn. Khi chức năng của máu tăng, thì giúp được việc tống cựu nghinh tân
tốt, khí huyết thăng bằng là khỏi bịnh. Một số người sau đây đã luyện tập Dịch
Cân Kinh có hiệu quả:
Cụ Quách Chu, 78
tuổi, phát hiện u ở não và ở phổi, luyện tập ngày ba buổi. Mỗi buổi 1800 lần.
Tập đều sau ba tháng thì tan khối u và khỏi bịnh.
Ông Trương Công
Phát, 43 tuổi, phát giác ung thư máu, luyện tập Dịch Cân Kinh ngày 3 buổi, mỗi
buổi 4800 lần (có dùng dưỡng tâm can), sau ba tháng khỏi bịnh. Đã ba năm nay
vẫn khỏe mạnh.
Cụ Từ Mạc Đính, 60
tuổi, ung
thư phổi, và bán thân bất toại, luyện tập sau 3 tháng thì hết bán thân bất
toại, kiểm tra khối u cũng tan mất.
Nguyên nhân bịnh ung thư
trên thế giới đang bàn cãi, ngay thuốc dưỡng tâm can cũng không phải là thuốc
đặc hiệu chữa trị mà là giúp tim hoạt động tốt để thải chất độc.
Vì quá trình sinh lý cơ
thể của con người là một quá trình phát triển, nó mang một nội dung đấu tranh
rất phức tạp giữa cái sống và sự chết. giữa lành mạnh và bịnh tật, giữa già háp
và trẻ dai. Nhưng kết quả cuộc đấu tranh là các nhân tố nội tại quyết định chớ không phải do hoàn cảnh bên ngoài.
Vậy cơ thể con người là
một chỉnh thể hoạt động. Trong vận động các
lục phủ ngũ tạng đều dựa vào nhau tức là tương sinh, ức chế lẫn nhau tức là tương khắc.
Nhưng khí
huyết có tác dụng đến khắp tất cả các lục phủ ngũ tạng, cho
nên việc phát sinh bịnh ung thư cũng do khí huyết lưu thông không chu đáo mà ra.
Đông y đã xác định là cuộc đấu tranh của cơ thể với bịnh ung thư là một cuộc đấu
tranh nội bộ ở trong cơ thể con người. Từ đó mà xây dựng quan điểm cho rằng bịnh ung thư
là bịnh chữa được.
Đương nhiên bịnh tật là
do sự trì trệ
khí huyết mà nó làm cho hao tổn thêm khí huyết. Vậy công việc luyện tập cho khí huyết
thay đổi là tự chữa được bịnh. Từ đó mà tạo được lòng tin vững chắc của người
bịnh đối với việc tự chữa được bịnh ung thư, để tập trung tinh thần và ý chí
đầy đủ để luyện
tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh, vì phương pháp này thay
đổi và tăng cường khí huyết. Nó cũng chữa được bịnh trĩ nội và trĩ ngoại. Ông Hà Thúc Nguyên bị trĩ nội và chứng đầy bụng, chỉ tập một tháng là
khỏi. Luyện tập Dịch Cân Kinh thấy ăn tốt ngủ ngon là việc phổ biến tốt, đã làm tăng sức khỏe các bịnh nhân nói chung và chữa
được nhiều chứng bịnh như : suy nhược thần kinh, cao huyết áp, bịnh tim các loại, bán thân bất toại,
bịnh thận, hen suyễn, lao phổi, trúng gió méo mồm và lệch mắt.
Đông y cho rằng vấn đề
cơ bản của bịnh tật là do khí huyết (âm, dương) mất thăng bằng mà sanh ra.
Luyện Dịch Cân Kinh là giải quyết vấn đề này. Nên đối với đa số các loại bịnh,
nhất là bịnh mãn tính đều có thể chữa được cả.
Phương Pháp Luyện Tập Dịch Cân Kinh
Đầu tiên là nói về tư
tưởng:
Phải có hào khí, nghĩa là có quyết tâm luyện tập cho đến nơi đến chốn, vững vàng, tin
tưởng, không vì lời bàn ra tán vào mà chán nản bỏ dở.
Phải lạc quan, không lo sợ đang mang bịnh mà mọi người gọi là hiểm nghèo, phải tin tưởng
rằng mình sẽ thắng bịnh do việc luyện tập Dịch Cân Kinh.
TƯ THẾ LUYỆN TẬP:
1. Lên
không xuống có: Trên phải không, dưới nên có.
- Đầu treo lơ lửng, miệng không hoạt động, bụng phải
mềm, lưng thẳng, thắt lưng mềm dẻo, hai cánh tay phải vẫy, cùi chỏ thẳng
và mềm, cổ tay mềm, hai bàn tay ngửa ra phía sau xòe ra như cái quạt.
- Trong khi vẫy, hậu
môn phải thót, gót chân lỏng, hậu môn phải chắc, bàn chân phải cứng, các ngón chân bám chặt như bám trên đất trơn.
Đây là những quy định cụ thể của các yêu cầu cơ bản khi tập luyện Dịch Cân
Kinh.
2.
Dựa theo yêu cầu này,
- khi tập vẫy tay thì từ cơ hoành trở
lên phải
giữ cho được trống không, buông lỏng, thảnh thơi, đầu không nghĩ ngợi lung
tung, chỉ chú ý vào việc luyện tập. Xương cổ buông lỏng để có cảm giác như
đầu treo lơ lửng, mồm giữ tự nhiên, không mím môi, ngực trên buông lỏng để
phổi tự nhiên. Hai cánh tay để tự nhiên giống như hai mái chèo gắn vào
vai.
- Từ cơ
hoành trở xuống phải giữ
cho chắc đủ sức căng, bụng dưới thót
vào, hậu
môn nhích
lên, mười
ngón chân bám
sát mặt đất, gót chân để
phẳng lên mặt đất. Bắp chân trong
trạng thái căng thẳng, xương sống thẳng
như cây gỗ.
- Khi vẫy tay nhớ nhẫm câu: “Lên có xuống không”. Nghĩa
là lấy sức vẫy tay về phía sau (lên), khi tay
trả lại phía trước là do quán tính, không dùng sức đưa tay ra phía trước (xuống).
3.
Trên ba dưới bảy : Là phần trên để lỏng độ ba phần khí lực, phần dưới lấy gân sức độ bảy phần khí lực. Vấn đề này quán triệt đầy đủ thì hiệu quả sẽ tốt.
4.
Mắt nhìn thẳng : không nghĩ ngợi gì cả, miệng nhẫm đếm số lần vẫy.
CÁC
BƯỚC TẬP CỤ THỂ NHƯ SAU :
a) Đứng hai bàn chân bằng
khoảng cách hai vai.
b) Hai cánh tay duỗi thẳng theo vai, các ngón tay xòe thẳng, lòng bàn tay quay ra phía sau.
c) Bụng dưới thót lại, lưng thẳng. Bụng trên co lại, cổ để lỏng, đầu và miệng bình thường.
d) Các đầu ngón chân bám trên mặt đất, gót sát đất, bắp chân và đùi chân căng thẳng.
e) Hai mắt chọn một điểm ở đàng xa làm mục tiêu để nhìn, không nghĩ ngợi lung tung,
luôn chú ý vào các ngón chân đang bám đất. Đùi và bắp chân cứng. Thót hậu môn
thật chặt và nhẩm đếm.
f) Dùng sức vẫy hai tay về phía sau, khi
trả hai bàn tay về phía trước, chú ý để nó buông theo quán tính, tuyệt đối
không dùng sức. Tuy nhiên chân vẫn lấy gân cứng lên, hậu môn vẫn thót và co lại
không lơi lả.
g) Vẫy
tay từ 200, 300, 400, 500, 600, 700 lần, dần dần tăng lên đến 1800 lần vẫy
(tương đương với 30 phút).
h) Phải
có quyết tâm đều đặn tập trung vào sự luyện tập, không nên nóng, tập nhanh, tập nhiều vì dục tốc bất đạt.
Nhưng cũng không nên tùy tiện, bữa tập nhiều, bữa tập ít hoặc nghỉ tập, vì như
vậy sẽ làm mất lòng tin trong sự luyện tập, khó có hiệu quả.
*LƯU Ý:
1. Bắt đầu tập luyện, không nên làm tổn
thương các ngón chân (Sau mỗi buổi tập, vuốt ve các ngón chân mỗi ngón chín
lần). Nôn nóng muốn khỏi bịnh này mà dùng nhiều sức sẽ không đem lại kết quả.
Có quyết tâm nhưng phải từ từ tiến dần mới đúng cách và kết quả tốt. Nếu tinh thần không tập trung, tư tưởng phân tán thì khí huyết loạn xạ, và không chú ý
đến “trên nặng dưới nhẹ” là sai hỏng.
2. Khi đã vẫy tay đến 600 lần trở lên thì
thường hay có trung tiện (đánh địt), hắt hơi và hai chân nhức mỏi, toát mồ hôi,
mặt nóng bừng..... chỉ là hiện tượng bình thường, đừng lo ngại. Trung tiện và
hắt hơi là do nhu động của đường ruột tăng lên đẩy mạnh cơ năng tiêu hóa. Chân
mỏi là do khí huyết dồn xuống cho hợp với vũ trụ là “Thiên khinh Địa trọng”
(Trên nhẹ dưới nặng), đấy là quy luật sinh hợp với vũ trụ: Thiên khinh Địa
trọng.
3. Sở dĩ bịnh gan là do
khí huyết của tạng gan không tốt gây nên khi bị tích lũy làm cho gan khó bài
tiết. Do đó ảnh hưởng đến ống mật và cả tỳ vị. Luyện Dịch Cân Kinh có thể giải
quyết được vấn đề này, nếu sớm có trung tiện là kết quả tốt.
4. Về bịnh mắt, luyện Dịch cân kinh là có thể khỏi chứng
đau mắt đỏ với các chứng đau mắt thông thường, cận thị, thậm chí chữa được cả
chứng đục thủy tinh thể. Trong nội kinh có nói mắt nhờ huyết mà nhìn được. Khi
khí huyết không dẫn đến được các bộ phận của mắt thì thường sinh ra các bệnh
tật của mắt.
5. Đôi mắt là bộ phận của thị giác và
cũng là bộ phận quan trọng của cơ thể.
NHỮNG PHẢN ỨNG KHI LUYỆN TẬP DịCH CÂN KINH
Khi luyện tập, cơ thể có
những phản ứng nhưng tất cả đều là hiện tượng thải bịnh, không nên lo nghĩ.
Sau đây là 34 phản
ứng thông thường và còn nhiều phản ứng khác không kể ra hết được.
1. Đau buốt, 2. Tê
dại, 3. Lạnh, 4. Nóng, 5. Đầy Hơi, 6. Sưng
7. Ngứa, 8. Ứa nước
giải, 9. Ra mồ hôi, 10. Cảm giác như kiến bò
11. Giật gân, giật thịt,
12. Đầu khớp xương có tiếng kêu lụp cụp
13. Cảm giác máu chảy
dồn dập, 14. Lông tóc dựng đứng
15. Âm nang to lên, 16.
Lưng đau, 17. Máy mắt mi giật
18. Đầu nặng, 19. Hơi
thở nhiều, 20. Nấc, 21. Trung tiện
22. Gót chân nhức như
mưng mủ, 23. Cáu trắng dưới lưỡi
24. Đau mỏi toàn thân,
25. Da cứng, da chân chai rụng đi,
26. Sắc mặt biến đi,27.
Huyết áp biến đổi, 28. Đại tiện ra máu,
29. Tiểu tiện nhiều, 30.
Nôn mửa, ho, 31. Bịnh từ trong da thịt bài tiết ra,
32. Trên đỉnh đầu mọc
mụt, 33. Ngứa từng chỗ hay toàn thân,
34. Chảy máu cam.
Các phản ứng trên đây là do trọc khí bài tiết ra
ngoài cơ thể, loại trừ các thứ ứ đọng gọi là bịnh tật. Khi
có sự phản ứng là có sự xung đột giữa chánh khí và tà khí, nếu ta vẫn tập luyện
sẽ sản sinh ra các chất bồi bổ có lợi cho chánh khí. Ta tập đúng cách và làm
tăng sức đề kháng, nó đẩy cặn bã trong cơ, gan, thần kinh và các tế bào khác mà
mạch máu lưu thông bình thường không thải nổi.
Nhờ luyện tập Dịch Cân
Kinh mà khí
huyết lưu thông mới đưa nổi cặn bã ra ngoài nên mới sinh ra phản ứng. Vậy không nên lo sợ, cứ tiếp tục tập như thường. Có một phản ứng hiển
nhiên là đã khỏi một căn bịnh. Cứ tập luyện đều đặn sẽ đạt hiệu quả tốt.
Luyện tập dịch cân kinh
đạt được 4 tiêu chuẩn sau:
- Nội trung: Tức là nâng
cao can khí lên, then chốt là điều chỉnh tạng phủ, lưu thông khí huyết.
Thông khí sẽ thông suốt lên đến đỉnh đầu.
- Tứ trưởng tố: Tức là tứ
chi phối
hợp với các động tác theo đúng nguyên tắc luyện tập. Tứ trung tố song song
với nội trung sẽ làm cho tà khí bài tiết ra ngoài, trung khí dồn xuống, cơ
năng sinh sản ngày càng mạnh.
- Ngũ tam phát: Nghĩa là 5
trung tâm của nhiệt dưới đây hoạt động mạnh hơn lúc bình thường. Đó là :
Bách
Hội: Một huyệt trên đỉnh đầu,
Gio
cung: huyệt ở hai bàn tay,
Dũng
tuyền: huyệt ở hai gan bàn chân.
Khi luyện tập thì 5 huyệt này đều có phản ứng và hoàn toàn thông suốt . Nhâm đốc và 12 kinh mạch đều
đạt tới hiệu quả, nó làm tăng cường thân thể, tiêu trừ các bịnh nan y mà ta
không ngờ.
- Lục phủ minh:
Đó là
ruột non. ruột già, mắt, dạ dày, bong bóng tam tiêu sẽ thông suốt, nghĩa là
không trì trệ. Lục phủ có nhiệm vụ thâu nạp thức ăn, tiêu hóa, bài tiết được
thuận lợi nên không trì trệ, ứ đọng, cơ năng sinh sản có sức tiếp, giữ vững
trạng thái bình thường của cơ thể tức là Âm Dương thăng bằng, cơ thể thịnh
vượng.
MỘT SỐ ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI LUYỆN TậP
1. Số
lần vẫy tay:
- không dưới 800 lần, từ 800 lần trở lên dần dần đến
1800 lần (khoảng 30 phút) mới tới ngưỡng cửa của điều trị.
- Người bịnh nặng có thể ngồi mà vẫy tay, tuy nhiên
phải nhớ thót hậu môn và bấm 10 đầu ngón chân.
2. Số
buổi tập:
- Sáng thành tâm tập mạnh,
- Trưa trước khi ăn tập vừa.
- Tối trước khi ngủ tập nhẹ.
3. Có
thể tập nhiều tùy theo bịnh trạng:
- Có những bịnh nhân nâng số lần vẫy tay lên đến 5 hay
6 ngàn lần trong mỗi buổi tập.
- Nếu sau khi tập thấy ăn ngon ngủ tốt, tiểu và đại
tiện thấy điều hòa, tinh thần tỉnh táo, thì chứng tỏ số lần vẫy tay khi
luyện tập là thích hợp.
4. Tốc độ vẫy tay: Theo
nguyên tắc thì nên chậm. Bình thường thì vẫy 1800 lần là hết 30 phút.
- Vẫy lúc sau hơi nhanh hơn lúc đầu một chút. Khi đã
thuần thì vẫy hẹp vòng.
- Bịnh nhẹ thì nên vẫy nhanh và dùng sức nhiều hơn.
Bịnh nặng thì nên vẫy hẹp vòng và chậm, bớt dùng sức.
- Vẫy tay nhanh quá làm cho tim đập nhanh, mau mệt, mà
chậm quá thì không đạt tới mục đích. Vì luyện tập là cần có mạch máu lưu
thông.
5.
Khi vẫy tay dùng sức nhiều hay ít, nặng hay nhẹ?:
- Vẫy tay là môn thể dục chữa bịnh chớ không phải là
một môn thể thao khác biệt. Đây là môn thể dục mềm dẻo, đặc điểm của nó là dụng ý không dùng sức, nhưng
nếu vẫy tay nhẹ quá cũng không tốt, bởi vì bắp vai không lắc mạnh thì lưng
và ngực không chuyển động nhiều, tác dụng sẽ giảm đi.
- Vẫy tay không chỉ có chuyển động cánh tay mà chính
yếu là chuyển động hai bắp vai.
- Bịnh phong thấp thì nên dùng sức ở mức nặng một
chút. Bịnh huyết áp thì nên dùng sức ở mức nhẹ và vẫy tay chậm.
Nói tóm lại phần lớn tự
mình nắm vững tình trạng, phân tích các triệu chứng sau khi nghe sự nhận xét
của mọi người, tự mình cảm nhận sự biến chuyển trong cơ thể: nhanh nhẹn, hồng
hào, tươi tỉnh hay là xấu hơn trước. Tự mình suy nghĩ rồi quyết định cách tập
trên nguyên tắc là tập thế nào cho cảm thấy thoải mái, dễ chịu là đúng, là tốt
nhất. Đông y cho rằng động tác nhẹ là bổ ích (ích lợi cho cơ thể), còn động tác mạnh là loại bỏ các chất cặn bã có hại cho cơ thể (bệnh tật). Lý luận này đang
được nghiên cứu.
Khi vẫy tay về phía sau
dùng sức bảy phần. Khi vẫy tay về phía trước thuộc về quán tính, còn chừng 5
phần.
Đếm số lần vẫy tay, đếm không phải để nhớ mà có tác dụng làm cho đầu óc bình tỉnh, có tác dụng tốt cho não được căng thẳng và không
nghĩ ngợi lung tung. Chân âm được bồi dưỡng.
Hoàn cảnh khi luyện tập
(nơi chốn): Không có khác biệt, ở nơi đâu cũng tập được. Dĩ nhiên nơi nào không khí
trong lành và yên tĩnh vẫn tốt hơn.
Trước và sau khi tập: Trước
khi tập, đứng bình tỉnh cho tim được thoải mái, đầu óc được yên tĩnh để chuyển
hóa về tâm lý và sinh lý. Ta có thể làm những động tác nhẹ nhàng, thoải mái như
trong môn khí công. Sau khi tập cũng phải bình tĩnh vê 10 đầu ngón tay và 10
đầu ngón chân đủ 9 lần. Người không đủ bình tĩnh, nên cần chú ý đến
điểm này,
Luyện
tập Dịch Cân Kinh đúng phép: Sau khi tập thấy ngứa và bụng nhẹ nhàng, hơi thở điều hòa, mắt sáng, nước
giải ứa ra nhiều, đại tiện dễ dàng, ăn ngon ngủ tốt, tinh thần tỉnh táo, bệnh
tật bớt dần, thì đó là đã luyện tập Dịch Cân Kinh đúng phép. Sau khi luyện tập,
đa số thấy có phản ứng, nhưng về hiệu quả thì rất khác nhau. Nguyên nhân chính
là khi tập, tư thế có thích hợp với người tập hay không.
Khi
tập cần chú ý các điểm sau đây:
1. Nửa thân trên buông lỏng (thượng hư).
2. Nửa thân dưới giữ chắc, căng mạnh (hạ
thực),
3. Khi tay trả về phía trước, không dùng
sức (nhẹ),
4. Tay vẫy về phía sau, dùng sức (nặng,
mạnh),
5. Mỗi lần tập tăng dần số lần vẫy tay.
Tập
ngày 3 buổi, kiên quyết tự chữa bịnh cho mình.
1. Sự liên quan giữa tinh thần và hiệu
quả khi tập luyện: Hết lòng tin tưởng, kiên quyết tới cùng. Tập đủ số lần nhứt
định, tập thường xuyên thì hiệu quả rất tốt. Nếu khi tập khi nghỉ, không đủ số
lần tập nhất định, trong lòng còn nghi hoặc, bị động theo dư luận, thấy phản
ứng lo sợ vội bỏ tập thì nhất định không hiệu quả.
2. Vẫy tay
có sinh ra bệnh gì không ? Có thể sinh bịnh do tư thế không đúng, làm sai
nguyên tắc. Nhưng trong trường hợp này cũng hãn hữu, không tới 1%.
3. Khi tập nên tránh đứng đầu ngọn gió cả
mùa hè lẫn mùa đông.
4. Tóm lại cần lưu tâm những điểm sau:
Khi tập luôn bám chặt các ngón chân
vào mặt đất.
Thót hoặc co hậu môn thật mạnh để giữ
thế “thượng hư hạ thật”.
Vẫy tay từ ít tới nhiều và phải đạt
1800 trở lên mới có hiệu quả.
Khi gặp phản ứng đừng ngại, đó là diễn
biến tốt, cứ tập số lần như cũ. Khi hết phản ứng sẽ tăng số lần vẫy tay lên.
Giữ vững lòng tin, kiên trì quyết tâm
tin tưởng, tập luyện tới cùng, chắc chắn sẽ đẩy lùi các bịnh tật ta đang mắc
phải.
Luyện tập Dịch Cân Kinh không chỉ chữa
khỏi bịnh mà còn là một phương pháp phòng bịnh rất hữu hiệu.
Source: Hội Thân
Hữu Việt Nam
Oct 8, 2004
Kinh Nghiệm Tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh
(Huỳnh Bửu Khương)
Nhân đọc bài Ðạt Ma Dịch Cân Kinh của Bác sĩ Lê Quốc Khánh đăng trên nhật
báo Người Việt số ra ngày 17 và 18 tháng 11 năm 2000 và thấy rất vui mừng khi
biết tập Ðạt Ma Dịch Cân Kinh có thể chữa được nhiều bịnh nan y, trong đó có cả
bịnh ung thư. Do đó tôi muốn góp thêm ý kiến bằng cách nói lên kinh nghiệm bản
thân về việc tập Ðạt Ma Dịch Cân Kinh để giúp quý độc giả hiểu rõ hơn cách
luyện tập và củng cố lòng tin vào phương pháp tập luyện này.
Vào năm 1974, anh Nguyễn
Kim Tri cho chúng tôi bản phóng ảnh của quyển Ðạt Ma Dịch Cân Kinh bằng chữ Tàu
và khuyên chúng tôi nên tập luyện theo sách ấy, rất tốt cho sức khỏe, vì đây là
cách luyện tập của chùa Thiếu Lâm dành cho môn sinh luyện trước khi học võ. Sau
đó chúng tôi nhờ người dịch đại ý của quyển sách và tập luyện.
Sau bốn tháng luyện tập,
mọi người trong phòng của tôi đều đạt kết quả tốt. Người nào không có bịnh thì
đều lên cân, da dẻ hồng hào thấy rõ. Người nào có bịnh thì bớt bịnh. Ông Long,
thư ký đánh máy, bị huyết áp cao, thì sau bốn tháng tập, huyết áp xuống mức
bình thường. mặc dầu ông không có uống thuốc. Lúc ấy ngày nào tôi cũng tập 1200
cái đánh tay. (Lúc mới khởi sự tập 200, rồi sau tăng dần).
vào tháng 7 năm 1976, mỗi lần đi lấy gạo, tôi
cùng một anh nữa khiêng lối 20 hay 25 kí lô và đi lối 7 hay 8 cây số đường
rừng. Khi về gần đến trại có đèo 19 tháng 5 rất cao, thường tôi yêu cầu anh
cùng khiêng với tôi ngồi nghỉ một chút rồi mới đi tiếp.
Sau đó tôi nói với Thầy
Thuần,người ở cùng một láng và cùng tập Dịch Cân Kinh với tôi mỗi ngày, về việc
tôi qua không nổi Ðèo 19 tháng 5 rất cao. Thầy nói “Bác cứ tập lên 2000 cái cho
tôi, bác sẽ qua nổi đèo ấy”. Nghe lời Thầy Thuần, tôi tập lên đến 2200 cái đánh
tay mỗi ngày.
Và lối nửa tháng sau,
khi đi lấy gạo, tôi được giao phải vác một mình 20 kí, nặng gấp đôi lần trước,
thế mà khi qua đèo 19 tháng 5, tôi qua luôn, không phải ngừng lại để nghỉ như
trước. Tôi biết ngay là nhờ tập Dịch Cân Kinh theo lối Thầy Thuần chỉ, nên mới
đạt được kết quả ấy.
Hồi đó tôi tập nổi 2200
cái đánh tay cho mỗi lần và nhờ hàng ngày tôi phải leo núi, đồi, phải làm việc
nặng nên chân mạnh hơn lúc ở Sài Gòn. Chân phải mạnh, rắn chắc thì tập mới
được, vì suốt buổi tập mình phải đứng tấn.
Tập Dịch Cân Kinh giúp
mình luôn luôn ngủ ngon và không bao giờ bị táo bón, máu huyết được lưu thông
mạnh trong thời gian tập, nhờ đó da dẻ chúng ta luôn được hồng hào và bệnh tật
tan biến đi.
Sau đây tôi xin nói về
cách tập thế nào cho đúng. Khi chúng tôi mới có cuốn Ðạt Ma Dịch Cân Kinh,
chúng tôi coi theo hình vẽ trong đó mà tập theo. Sau lối hai tuần tập luyện,
chúng tôi thấy không có kết quả gì cả. Do đó chúng tôi phải nhờ người dịch cuốn
sách ấy. Và khi tập đúng cách rồi thì kết quả thấy rất rõ.
Tôi
xin diễn tả tư thế và việc phải làm của một người tập Dịch Cân Kinh.
1. Người tập Dịch Cân Kinh nên đi giày hay dép, không nên đi chân đất. Hai chân dang ra, khoảng cách giữa hai ngón chân
cái bằng khoảng cách của hai vai. Hai bàn chân đứng song song với nhau. Mười
ngón chân bám chặt xuống giày hay dép.
2. Gồng cứng (lên gân) bắp chuối và bắp
vế chân. Hậu môn nhíu lại và thót lên. Suốt buổi tập, hai chân như trồng cây
xuống đất, từ thắt lưng trở xuống luôn luôn cứng nhắc, không suy suyển. Tóm
lại, đó là thế đứng tấn của người luyện võ. Nếu đã dang hai chân đúng tầm, đã
gồng (lên gân) hai chân thật chắc, bám mười ngón chân thật chặt xuống dép hoặc
giày, nhíu hậu môn lại và thót lên rồi thì ta thấy từ thắt lưng trở xuống chân
thật là chắc nịch. Và trong suốt buổi tập ta phải luôn chú ý đến phần từ thắt
lưng trở xuống và làm đúng như thế. Nếu ta không chú ý đến phần này thì công
phu luyện tập sẽ mất gần hết, không mang lại kết quả mong muốn.
3. Ðầu như dây treo (giống như có sợi dây
treo mình lên vậy) để cổ được thẳng, mặt ngó về phía trước, nhìn một điểm cao
hơn mình một tí để cổ không rùng xuống.
4. Ở miệng, hai môi chạm nhẹ vào nhau, không mím
môi cũng không hở môi. Hai hàm răng chạm nhẹ vào nhau, đầu chót lưỡi để trên
nướu răng trên (để luồng điện được lưu thông).
5. Ở mỗi bàn tay, 5 ngón luôn dính vào
nhau (chớ không phải xòe ra, sách có vẽ hình rất rõ về điểm
này). Khi đánh tay, lòng bàn tay hướng về phía sau (tức là mu
bàn tay đưa về phía trước).
6. Ðộng tác duy nhất là đánh hai tay từ
phía trước ra phía sau. Khi đưa hai tay ra phía trước, hai cánh tay sẽ hợp với
thân người thành một góc 30 độ, khi đánh tay ra phía sau thì hợp thành một góc
60 độ. Tóm lại khi đánh tay ra phía sau thì đánh hết tay. Khi đưa tay ra phía trước
chỉ là một cái trớn của việc đánh tay ra phía sau còn lại mà thôi. Do đó chỉ có
30 độ. Mỗi lần đánh tay từ phía trước ra sau thì kể là một cái đánh tay.
7. Khi mới bắt đầu tập, nên khởi sự đánh
tay 200 cái cho mỗi lần tập. Nếu muốn mau có kết quả thì mỗi ngày tập hai lần
vào buổi sáng và chiều.
Còn nếu có ý chí
lớn hơn nữa thì tập mỗi ngày ba lần (sáng, trưa và chiều) càng tốt. Tập ở ngoài sân hay ở trong nhà đều được,
miễn là ở nơi
thoáng khí và yên tịnh. Không nên tập sau khi ăn cơm no. Khi thấy mệt
là nghỉ ngay, không nên tập quá sức. Khi thấy còn có thể tập được nữa mà không
mệt thì nên tiếp tục tập cho đúng sức mình.
Khi mới tập, khởi sự bằng 200 cái đánh tay mỗi lần tập.
Về sau khi thấy còn có thể tập thêm thì tăng lên dần, thí dụ 250, 300, 350,
v.v...Hồi tôi mới tập, một thời gian ngắn sau là tôi đã lên tới 1200 cái đánh
tay cho mỗi lần tập (trong 15 phút). Hồi đó còn trẻ nên tôi đánh rất nhanh và
mỗi ngày tôi chỉ tập có một lần. Sau khi tập xong, ta thấy khát nước (thì nên
uống nước ngay), đó là tập vừa sức. Sau khi tập, tôi thường đi chậm bằng cách
giở chân lên cao, vừa co dãn hai cánh tay. Có người mới khởi sự đã tập trên
1000 cái thì mặt bị nổi mụn ngay. Nếu tập đúng cách, tôi thấy không có phản ứng
gì cả, mà càng ngày ta càng thấy khỏe ra.
8. Mình tập được nhiều hay ít là do mình
có thể đứng
tấn được bao lâu, chớ không phải ai muốn tập bao nhiêu lần cũng được. Còn nếu
đánh tay để đếm số lần cho thật nhiều mà không gồng lên cho hai chân thật cứng chắc
và nhíu hậu môn lại, thót lên thì sẽ không đạt được kết quả mong
muốn. Về tốc độ đánh tay thì sách nói đánh tay nhanh như người đi đánh đồng xa. Ðánh tay càng nhanh thì
máu huyết lưu thông càng mạnh trong thời gian ấy, và sẽ cuốn theo mọi bịnh
tật. Sách nói muốn tập để trị bịnh thì nên tập từ 2000 đến 3000 cái đánh tay
mỗi ngày trong vòng lối 30 phút.
Và sau đây là hai
nguyên tắc quan trọng cần phải áp dụng trong lúc tập
- Thượng tam hạ thất: Nếu trong thời gian tập, mình
dùng mười phần sức lực thì từ thắt lưng trở xuống mình dùng đúng 7 phần và
phải luôn luôn chú ý đến việc gồng cứng (lên gân) hai chân, nhíu hậu môn
lại và thót lên. Từ thắt lưng trở lên, mình dùng 3 phần sức lực. Ðó gọi là
thượng tam hạ thất, thượng hư hạ thực. Trên ba dưới bảy hay trên hư dưới
thực. Trong việc đánh tay cũng thế, khi đưa tay ra phía sau thì dùng 7
phần sức lực, đưa ra trước thì chỉ dùng có 3 phần. Trước 3 sau 7 hay trước
hư sau thực. Ðánh tay ra phía sau mới
thực là cần thiết và phải đánh cho hết tay.
- Tâm bình khí tịnh: Trong suốt thời gian tập ta không
được suy nghĩ điều gì (điều
này hơi khó), ngoại trừ việc nhẩm đếm số lần đánh tay. Ðó là tâm bình. Còn
khí tịnh là trong thời gian tập ta thở bình thường, chớ không phải thở
theo nhịp tay. Có một môn phái thở theo nhịp tay, nghe nói đó là phái Võ
Ðang. Nhưng phái Thiếu Lâm Tự thì không thở theo nhịp tay. Hồi tôi ở Hoàng
Liên Sơn, tôi tập không thở theo nhịp tay, còn thầy Thuần thở theo nhịp
tay. Nhưng cả hai chúng tôi đều đạt được kết quả tốt.
Sau
cùng tôi xin nói một vài kinh nghiệm trong khi tập:
Nếu đánh tay nhanh mà ta thấy tê mười
đầu ngón tay thì đó vì là ta không nhíu hậu môn và thót lên, hoặc là vì ta để
hở mười ngón tay.(Bàn tay năm ngón phải để dính với nhau, không được hở, điều
này trong sách có hình vẽ rõ lắm).
Nếu lúc tập mà ta thấy đầu hơi nặng là
vì cổ ta không thẳng, đầu không như dây treo. Luồng điện thay vì đi xuống lại
đi ngược chiều lên đầu. Hồi ở Hoàng Liên Sơn, tối nào tôi cũng ra sân tập và
đeo bao tay vì trời lạnh. Khi đánh tay được lối 1500 cái trở lên là tôi thấy ấm
người, khỏi mang bao tay nữa, và mỗi cái đánh tay tôi nghe như có hai luồng
điện chạy xuống hai chân vậy. Bây giờ đã lớn tuổi, tôi chỉ tập nổi tối đa trên
dưới 800 cái đánh tay mỗi lần mà thôi.
Thêm vào đó ngày nào tôi cũng đi bộ ít nhất nửa giờ và
tôi thấy rất tốt cho sức khỏe, rất tốt cho việc tập Dịch Cân Kinh. Trong tất cả
các môn tôi đã tập (hồi ở Việt Nam, tôi tập dưỡng sinh trong vườn Tao Ðàn), tôi
nhận thấy môn Dịch Cân Kinh của Ðạt Ma Tổ Sư là hữu hiệu hơn cả. Nhưng điều cần
yếu là phải tin tưởng và kiên nhẫn tập đều đặn thì mới có kết quả.
Orange, 2/12/2000
Huỳnh Bửu Khương
ĐẠT MA DỊCH CÂN KINH – bỔ SUNG 1
1. Khuyết danh:
Sau khi tập một tháng.
Ngày 3 lần, mỗi lần khoảng 3h đồng hồ.
Khi bắt đầu tập, tôi tập
mỗi lần 5 phút cũng cảm thấy cơ thể quá mỏi mệt. Sau (nghe lời người hướng dẫn)
mỗi ngày cố gắng tăng lên 01 phút. Một tháng sau tôi đã có thể và thường xuyên
thực hiện ngày 3 lần,mỗi lần ít thì 1 giờ nhiều thì 3 giờ.
Ngày trước sống chủ yếu
để cầu mong được danh vị tài lộc thăng tiếng. Nay phần lớn thời gian có trong
ngày chỉ chăm chăm vào một việc làm sao tập “Đạt Ma Dịch Cân Kinh” cho đạt hiệu
quả chữa bệnh. Có chút thời gian rảnh nào không phải tiếp khách thì tôi tập
trung vào bài tập.
Tôi chú ý từng chữ, từng
lời, từng ý trong bài hướng dẫn, không bỏ sót 1 chi tiết nào. Nếu như ban đầu
tôi thấy chán nản và bực mình bởi những động tác gần như phều phào, bơi trong
không khí tưởng như không chút sức lực, không chút niềm tin nào, thì nay, qua
việc sức khỏe hồi phục. Bệnh tiểu đường gần như biến mất. Đường huyết được ghi
nhận sau một tháng tập là: 73,6. Bác sĩ chuyên khoa cho biết đây là con số
đường huyết của người bình thường.
Chưa hết, các chứng nhức
đầu, chóng mặt do não thiếu oxy, máu không lưu thông tới được, thân thể nhức mỏi
nhất là buổi sáng thức dậy không muốn trở mình. Nay hình như đã đồng thời ly
khai khỏi tôi. Tôi làm vườn, đi bộ, suốt ngày vui vẻ với con cháu, bạn bè và
người thân không thấy uể oải mệt mỏi. Thấy tôi vui vẻ với mọi người nhất là khi
trao đổi kinh nghiệm tập Dịch Cân Kinh với thân hữu, bà con xa gần, những người
thân cận với tôi cũng còn cảm thấy bất ngờ.
Nay, tôi viết lại đôi
hàng kinh nghiệm tôi đã trải qua gọi là chút duyên cho người kế tiếp nhận cuốn
sách quý báu này trong những lúc không còn tin tưởng vào mình nữa. Tôi sẵn lòng
và hoan hỷ trao đổi hoặc trình bày lại những điều gì mà người mới bước vào tập
Dịch Cân Kinh còn có chỗ vướng mắc để cùng giúp ích thiết thực cho người kế
tiếp. Các bạn có thể liên hệ với tôi qua số điện thoại: 061.546.831 và địa chỉ
nêu trên.
2. Bà Định: 51 tuổi,
hiện là Y tá xã An Phước, Long Thành, Đồng Nai.
Tôi bị chứng Gan to,
Sưng gan, Cổ trướng, da mặt vàng bủng, khó thở, ăn uống khó tiêu .. đại tiện
thường táo bón, làm việc rất mau mệt, hay chán nản, gắt gỏng, bực dọc với người
xung quanh. Hiểu biết về Y tế, hàng ngày tận mắt thấy người bệnh tuyệt vọng
trước những căn bệnh nội tạng mãn tính. Nghĩ rằng đới mình rồi sẽ qua đi, có
điều không vui vẻ khi phải ra đi với thân thể bệnh hoạn mà các thầy thuốc đã
sớm tỏ ra vô vọng rồi.
Tình cờ có được cuốn
sách mỏng dính ngoài bìa có in hình ông sư râu ria, mắt lồi (Đạt Ma) xem sách
và rồi chú ý tới cái bụng của người hướng dẫn vẽ trong hình, không biết đó có
phải là cơ duyên hay không nhưng tôi thấy hình như có một sự đồng cảm nào đó.
Như một người đang chơi
vơi trên biển cả, dẫu không còn chút hy vọng nào, nhưng cái cọc đang ở một bên
lẽ nào tôi lại không thử đại một lần. Vì thử tức là tạo cho mình một cơ hội dù
mong manh. Nếu không thử hay không dám thử thì cả cái cơ hội hiếm hoi duy nhất
tạo ra cho mình một sinh cơ ấy cũng không có.
Tôi chú ý làm nháp cho
đến khi thành thục, quen với từng động tác chi li nhất. Mỗi cái nhấc tay, vẫy
tay ngược lên cao theo sức mỗi người mà không hoác ra hai bên. Các ngón
chân bấm chặt trên thảm, chân lấy gân sức (thực), phần trên thân buông lỏng
chùng xuống, cho khinh linh, nhẹ nhàng (hư) uyển chuyển, thong dong, nhẹ
nhàng, mẫu mực.
Cứ như thế tôi tập ngày
3 lần, mỗi lần ít thì nửa tiếng đồng hồ, lâu thì chừng 3 giờ đồng hồ. Khoảng
#5.000 cái chậm rãi mỗi buổi tập. Sau nửa tháng, điều đầu tiên tôi thấy tin
tưởng nhất là bụng tôi rất to nay bỗng xẹp lại như bong bóng xì hơi vậy. Sắc da
vốn rất vàng nay đã có đôi chỗ sáng lên. Bụng gọn lại nhiều lắm. Thở khỏe khoắn
nhẹ nhàng, không phải cố gò lưng, nghểnh cổ cho mỗi hơi thở như trước đây. Tôi
vẫn giữ mức độ ấy tập đều.
Sau 1 tháng 20 ngày, nay
bụng đã xẹp hẳn. Tự khám thấy bệnh đã có những triệu chứng giảm tốt, nhưng
không tin vào mình, lên thành phố đến bệnh viện Hòa Hảo siêu âm được bác sĩ cho
biết: Gan có hiện tượng thu nhỏ lại nhiều lắm, Bóng tự tiêu hủy. Người hồng
hảo, nhuận sắc, vui vẽ với người xung quanh. Tiêu tiểu ngày càng tốt và đều
đặn, đúng giờ.
Nay tôi thấy mình đi
đứng nhẹ nhàng, nhanh nhẩu hoạt bát. Bụng gọn thon, mềm hẳn lại. Sắc bủng ngày
xưa hầu như biến mất trên da thịt tôi. Thay vào đó là sắc da ngăm nâu sáng hồng
lên ở những chỗ da căng như trán, gò má, chót mũi. Hít thở được nhẹ, chậm và
sâu dài. Yêu đời hẳn lên. Bạn nào thích nghiên cứu phương thức tập Đạt Ma Dịch
Cân Kinh xin cứ liên hệ với tôi tại địa chỉ nêu trên.
3. Bà Mười Thanh. Cán bộ
hưu trí 56 tuồi hiện đang ở Long Thành, Đồng Nai. Số điện thoại: 061.826.4743
Tôi bị bệnh đái tháo
đường mãn tính trên 30 năm. Bệnh diễn biến ở thời kỳ cuối. Không còn chút hy
vọng cứu vãn được nữa. Bản thân và gia đình đã có những bước chuẩn bị,
thêm vào chứng Suy nhược tổng thể đi kèm theo bệnh mãn tính này. Người suy
thoái cực độ, ai cũng có thể dễ dàng nhận ra khi gặp tôi trước đây vài tháng,
người ngày càng khô quắt lại. Khi nào đo cũng trên dưới 300o đường huyết.
Da thịt nhiều vùng tê nhức hoặc mất cảm giác.
Sau tháng thứ 1 tập Đạt Ma Dịch Cân Kinh độ đường giảm còn:
80o, người có nhẹ nhàng hơn trước, thở tốt. Đi lại, hoạt động tương đối nhẹ
nhàng hơn trước nhưng thỉnh thoảng vẫn có chứng nhức đầu, chóng mặt, mất phương
hướng. Chứng nhức nhối thân thể như có kim châm vẫn còn.
Sau tháng thứ 2 tập Đạt
Ma Dịch Cân Kinh đường huyết giảm còn 75o, ăn uống cảm giác ngon miệng, thể dục
tốt, ngồi lâu không tê mỏi, thân thể bớt nhức mỏi.
Sau tháng thứ 3 tập Đạt
Ma Dịch Cân Kinh: đường huyết giảm còn 65.5o, yêu đời, vui vẻ và dễ mến với
thân hữu, bà con xung quanh. Sức nhẫn nại, chịu đựng cao hơn. Ngồi được bền
hơn, không tê mỏi như kim châm khắp châu thân như trước đây. Nghĩ về tha nhân
nhiều hơn. Dễ tha thứ cho người hơn xưa. Sẵn lòng và vui vẻ trao đổi, hướng dẫn
khi có người kế tiếp cần đến kinh nghiệp tập Dịch Cân Kinh để trị bệnh mãn tính của
mình.
Nay tôi vẫn thường xuyên
tập ngày 3 lần #6000 cái chậm rãi mất chứng 3-4h đồng hồ. Với tôi sức khỏe là
tối quan trọng. Sức khỏe trước đã! Tôi đã thật sự thấy yêu đời hơn, thật sự
biết giá trị cuộc sống khỏe. Nếu cần đến tôi xin đừng ngại, hãy gọi số điện
thoại: 061.826.474
4. Tôi là Tâm Quãng, 52
tuổi, đang ở Sài Gòn.
Năm 1996, do hoàn cảnh
nghiệt ngã của bản thân và đại gia đình. Tôi phải lao lực để kiếm sống, ăn
uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi không điều độ. Tôi bị chứng đau Bão Thận do suy
nhược thận ở giai đoạn khốc liệt nhất. Tôi đến viếng bà bác sĩ thường xuyên gia
đình của tôi.
Chỉ có 1 toa thuốc dành
cho bệnh của anh trước khi anh đến bàn mổ (lời khuyên của bác sĩ).
“Tôi cho anh 4 liều
thuốc. Anh sẽ bớt ngay sau khi uống vào chừng 5 phút. Mỗi liều thuốc sẽ giúp
anh bớt đau trong 2 ngày. Sau đó bệnh sẽ tái phát. Lần đau sau sẽ nặng hơn lần
đau trước. Sau 4 lần uống vị chi là 8 ngày sau, sẽ không còn có thuốc nào có
thể làm anh bớt đau, chỉ còn trông vào lề lối duy nhất của nền y khoa hiện đại
là giải phẫu. Khi hết thuốc, không chịu nổi cơn đau, anh ghé lại đây tôi viết
giấy giới thiệu cho anh vào bệnh viện Nguyễn Văn Học để mổ”.
Tôi hỏi: Thưa bác sĩ: Mổ
xong có chắc chắn lành bệnh thận không? Bệnh có di chứng gì không? Mức độ an
toàn dành cho ca mổ này theo Bác sĩ là bao nhiêu phần trăm?
Bác sĩ: Giải phẫu là
biện pháp sau cùng để giải quyết vấn đề. Bệnh Thận của anh được phát hiện sớm,
kết quả có cao hơn nhưng giải phẫu vẫn là giải phẫu, ở ta mộ thận hiện nay là 5
ăn 5 thua. Đánh chịu thôi! Không có cách nào khác.!
Tôi về nhà lòng buồn
rười rượi, muốn có cái gì đó giúp mình thoát ly cuộc sống đau khổ thân xác này.
Muốn chết quách cho xong! Cho khỏi trả bài vào ngày tới. Cơn đau bão thận buổi
chiều tôi vừa trải qua thật khủng khiếp. Ngay khi đó điều mong muốn duy nhất
của tôi là đang được đứng trên nóc một tòa nhà cao tầng. Mọi điều sau đó sẽ đơn
giản hơn. Ai có trải qua cơn đau bão thận này một lần, mới biết được sự đau đớn
thân xác mà một con người bằng xương bằng thịt phải chịu.
Là tín đồ Phật giáo
thuần thành, tôi đến chùa cầu Sư tiếp sức và chỉ giáo. Thầy khuyên và nhắn nhủ
tôi hãy hướng tâm về 10 phương chư Phật, thầy cũng sẽ hộ niệm giúp cho 1 phần.
Ngoài ra, con cũng nên nhờ bác sĩ tiếp tay
Tôi thưa với thầy: Khi
con đang đau quá, tâm tán loạn thì làm sao con lại có thể hướng tâm về 10
phương chư Phật được và tôi hiểu được lời một người già nói: “Phật không có hộ
phò”.
Tôi đang vô cùng thất
vọng về số phận hẩm hiu của mình. Tôi đang suy nghĩ đến các cách chết, chết sao
cho gọn, sạch sẽ, ít làm phiền mọi người. Quyết định như vậy, tôi cất số thuốc
bác sĩ đã cho vào ngăn tủ vào vô tình tôi thấy cuốn Đạt Ma Dịch Cân Kinh mà khi
ấy còn có cái tên là Thể dục trợ luân.
Tôi đắn đo suy nghĩ và
liên tưởng đến cái tên Tổ Bồ Đề Đạt Ma với cuốn Dịch Cân Kinh lừng danh ở đất
Trung Hoa phong kiến, sự liên hệ nối tiếp với thể dục trợ luân.
Tôi nhớ đến bài báo của
Anh, Pháp, Mỹ, Nhật có đề cập đến việc người Hoa ở khắp nơi trên thế giới, có
chung 1 bài tập thể dục buổi sáng. Thể thức chỉ đơn giản là đứng dang hai chân
bằng vai, chân bấm đất vững chắc, người hơi rùn. Hai tay lật ngược đưa lên
trước bụng với động thái phều phào, vô lực rồi lại tiếp tục chậm rãi đưa dọc
xuống hai bên hông, để rồi lại ngoắt lên phía sau lưng tối đa. Cứ thế và cứ
thế.
Ai mà thức trước, tập
trước, ai dậy sau tập sau. Thế thức giống nhau, chỉ có một thế. Từ từ, chậm
rãi, không dồn dập, không có thúc ép, không xô đuổi, bao giờ xong một thế thì
xong, không quan trọng, không ai nói với ai. Tập sai cũng tốt. Tập đúng càng
tốt hơn. Tôi hiểu tập sai thì coi như là tập thể dục. Còn tập đúng thì chuyển
hóa gân, mạch, vận chuyển huyết dịch, dẫn khí, điều khí có tác dụng trị bệnh
rất tích cực. Miên man với suy tư đó, tôi đã khoa chân, vươn tay rồi lật tay
lúc nào không biết. Tôi đi vào việc thực hành như một sự giao cảm. Cứ như thế
cuốn sách ấy để ở đấy để chờ tôi đủ duyên lành mở ra cho tôi một vận hội hanh
thông một đời mới.
Tôi rất khó khăn để đứng
thẳng trong lúc đang bệnh này, thế mà sách dậy đứng thẳng lưng. Tôi rất khó
khăn để đứng yên cho vững mà không xê dịch chân, nay sách bảo: 2 chân phải bấm
vào thảm đất. Tay tôi do đau đớn mà không thể
nắm chặt nắm tay được, mà sách lại yêu cầu là hai tay không dùng sức. Toàn thân
buông lỏng, khinh linh. Trên hư, dưới dùng sức. Điều kiện này hoàn toàn phù hợp
với điều kiện của tôi lúc đó. Tôi cho là tôi được đặc cách truyền thụ. Ngay lần
đầu tiên bắt tay vào tập Dịch Cân Kinh tôi đã thực hiện được 2 giờ đồng hồ.
Kết quả:
Mồ hôi ra như tắm kể cả
trong quần áo lót, dù các thế thức chỉ rất chậm và không có lực. Tập
trung tinh thần tại đỉnh đầu. Tay đưa ra trước
lật và ra sau ngoặt có thể dễ dàng hơn. Khi đưa tay ra sau ngoặt lên, nhíu hậu
môn lại, cảm giác ở chỗ vùng thận nơi lưng ấm ấm, cứ như được xoa bóp, dễ chịu
hơn nhưng chưa có nhận thức cụ thể gì về cái sự đau hay bớt. Chỉ thấy nó hơi
vướng vướng noi lưng vùng thận. Thế thôi. Lúc ấy là 6 giờ chiều.
Tôi không ăn tối và giữ
im lặng trước sự nhiệt tình và thương yêu của gia đình. Thật ra nếu phải trả
lời, tôi cũng không biết phải trả lời làm sao. Nghỉ khỏe đến 7h30 tối vào lại
buổi tập, lần này tôi kết thúc buổi tập lúc 10h đêm. Mồ hôi tiếp tục ra nhiều,
mồ hôi rất nhiều trên đầu tôi, vùng não. Lần này tôi thấy có sự khỏe khoắn và
hưng phấn hơn. Tôi tạm cho qua việc tìm cái chết để thử theo phương pháp này
thời gian ra sao.
Ngủ một đêm ngon giấc.
Sáng dậy tôi nghĩ rằng, lâu không hoạt động mà hôm qua hoạt động mấy giờ liền,
chắc dậy sẽ uể oải. Không ngờ khi có ý dậy, lập tức vùng dậy ngồi ngay lên,
kiếm soát mình hết một lượt, xong đứng dậy, xoay mình từ nhẹ nhẹ rồi thử vặn
mình một cái khá mạnh để thử sức chịu đựng của 2 trái thận. Không hề đau, chỉ có
sự cảm nhận hơi vướng vướng ở vùng thận thôi.
Rửa mặt xong. Đại tiện
gặp khó khăn từ hôm bệnh trở nặng chừng 3,4 ngày qua. Ngồi vệ sinh là một tư
thế rất khó chịu đối với người đau bão thận. Tôi có ý sợ và quyết định bỏ qua
việc vệ sinh ngồi, xong tôi ra đứng trước gương tập tiếp, hôm nay tôi nhiệt
tình và ý thức tập hơn. Tôi có ý định chờ cơn đau bão thận sẽ đến vào sáng hoặc
chiều nay.
Tôi tập từ 6h sáng đến
8h thì ngưng tập, nghỉ ngơi, ăn sáng. Đi bộ trong nhà để thư giãn và thở đều
9h30 vào buổi tập tiếp đến 11h35’. Mồ hôi vẫn ra nhiều nhưng không phải như cầm
gáo mà xối như chiều qua, mà rịn rịn ra từ đầu xuống mặt lưng, ngực và cả đến 2
lòng bàn chân, tay.
Trong lúc tập, khi ngoặt
2 tay ra sau lưng, hậu môn nhíu lại, cảm giác có cái nhột nhột bò lên từ dưới
thận theo xương sống hướng lên lưng, vai. Cảm giác rất dễ chịu, 2 trái thận như
được xoa bóp, mát xa cảm giác rất khoan khoái, êm nhẹ.
Như vậy, cơn đau bão
thận cấp tính ngừng lại ngay từ bài tập đầu tiên với 2h đồng hồ. Sau 1 tháng
tôi không còn chút e ngại, sợ sệt cái cơn đau quái ác kia, và cho đến nay ngày
15/3/2003. Cơn đau kia đã không một lần nào trở lại.
Bác sĩ ở bệnh viện Hòa
Hảo tuyên bố sau khi siêu âm: không có chứng trạng của một chứng đau. 2002 đi
khám sức khỏe để bổ túc bằng lái.
Được dịp tôi muốn biết
sức khỏe về thận của tôi hiện nay ra sao. Một bác sĩ khác bảo: Anh yên tâm đi.
Thận của anh còn tốt hơn của nhiều thanh niên nữa đó. Điều khá kỳ lại, sau lần
tự trị bệnh cho mình bằng phương pháp Đạt Ma Dịch Cân Kinh, tôi rất yên tâm và tràn
đầy lòng tin vào cuộc sống.
Sau khi tạo ra sự ngạc
nhiên cho bà Bác sĩ thường xuyên của gia đình tôi, bà theo hỏi tôi về phương
thức thực hành sau khi trầm trồ những viên thuốc bà đưa cho tôi, mà tôi cố ý để
dành để chấp nhận cái chết. Bà hỏi mượn tôi cuốn Đạt Ma Dịch Cân Kinh (từ năm
ấy, 1996).
Chúng tôi thường xuyên
trao đổi với nhau về đề tài này. Bây giờ bà hay khoe với tôi là bà đã hướng dẫn
cho nhiều người giúp cho những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh mãn tính, sớm thoát
khỏi sự dày vò quái ác của cơn bệnh.
Ở Sài Gòn hiện có rất
nhiều người tập phương pháp này, nếu như ai đó muốn biết có một người như thế
vẫn đang tập luyện để giữ sức khỏe thì liên lạc ở nơi đây.
ĐẠT MA
DỊCH CÂN KINH – BỔ SUNG 2
Nguồn: Trích cuốn Phương pháp công phu Culver
city 1982
Pháp lý Vô Vi Khoa Học
Huyền Bí Phật Pháp có Pháp Trợ Luân thường gọi là “Thể Dục Trợ Luân” lấy từ
cuốn Đạt Ma Dịch Cân Kinh để hỗ trợ cho việc ngồi thiền.
Phần thực hành
Môn thể dục này giúp bạn
tăng cường sức khỏe, chữa bệnh, khai thông Đốc mạch và dồn điển lên bộ đầu. Bạn
có thể thực hành môn Thể Dục Trợ Luận bất cứ lúc nào trong ngày, khi bụng trống
hay trước buổi công phu trong đêm khuya.
Đứng thẳng ưỡn ngực ra,
hai chân dang ra song song ngang với tầm vai của mình. Co các đầu ngón chân
lại, bám vào mặt đất. Cọ lưỡi răng kề răng, miệng ngậm, mắt nhắm lại nhìn thẳng
về phía trước từ giữa hay chân mày (nếu mở mắt thì nhìn một điểm nào đó trước
mắt). Hơi thở bình thường. Tư tưởng tập trung trên đỉnh đầu, có thể niệm Lục Tự
Di Đà.
Cử động: Hai cánh tay đưa song
song ra phía trước với một giác độ khoảng 30. Động tác thật chậm rãi, dịu dàng
và nhẹ nhàng. Cánh tay duỗi thẳng, rồi cong ngoắc cổ tay lên trên, ngón tay
hướng về trước (xem hình vẽ). Rồi từ từ đưa hai bàn tay song song ra phía sau
cho hết mức, rồi cụp bàn tay lên, lòng bàn tay hướng lên trên. Tập như vậy
khoảng 15 phút đến 30 phút, có thể làm nhiều lần trong ngày.
Phương pháp này tựa Dịch
Cân Kinh, giúp chữa nhiều thứ bệnh, khai thông Đốc mạch, dồn điển lên bộ đầu và
giúp cho phần luyện đạo được nhẹ nhàng hơn.
Sau đâu là phần giải
thích và giải đáp thắc mắc của Thiền sư Lương Sĩ Hằng thường gọi là ông Tám.
Ông Tám giải thích như
sau:
“Bàn tay thì phải bật
lên, đưa tay lên ra phía sau để kích động huyệt cổ tay, nó lên hệ tới óc. Chú ý
rút hậu môn (con trê) lên mỗi khi đưa tay ra phía sau”.
Nên nhớ môn thể dục này
cần phải được thực hành một cách khoan thai chậm rãi và nhẹ nhàng.
“Tại sao cái gì Vô Vi
cũng kêu từ từ? Là để con người học lại cái nhẫn mà thôi. Chúng ta giáng
trần nhiều kiếp, chỉ học có chữ nhẫn mà tới nay chưa xong. Tu cũng muốn mau,
cái gì cũng muốn mau hết, mất cái chữ nhẫn. Có mau đi nữa mà thiếu sáng suốt
thì làm được việc gì. Chúng ta vạn sự phải tự tu, khai triển trong thanh tịnh”.
Thể dục trợ luân hỗ trợ
cho việc điều trị áp huyết ao, dư máu và bệnh trĩ. Ông
Tám giải đáp trợ luân:
Hỏi: Cái pháp Trợ Luân có ích lợi như thế nào?
Đáp: Cái ích lợi của nó là khi mà mình làm nhẹ tay đó, mình co lưỡi
răng kề răng mà mình đẩy một cái thì tự nhiên phía đằng sau lưng nó mổ, cái hơi
nó đẩy đi lên, chớ không phải nó đem xuống, nó đẩy lên; rồi sau khi mà mình làm
nhiều lần đó, cái phần thanh điền nó cũng được lên một phần, nhưng mà nó không
lên mạnh bằng chúng ta ngồi hít Pháp luân, nhưng mà nó giúp cho cơ thể điều hòa
máu huyết.
Chúng tay nhón mấy ngón
chân đằng trước và cái gót chân đằng sau để cho nó qui hòa cái máu, à, rồi nó
làm việc điều hòa trở lộn lại cho cái bản thể không có bệnh hoạn và nó trợ cho
cái phần điển bộ đầu.
Những người mà có điển
chạy bộ đầu đó, đứng mà làm Trợ pháp luân rồi đó thì thấy bộ đầu nó chuyện và
nó nhẹ mà có người đứng, nhắm con mắt thấy ó nhẹ thì thấy nó cũng xuất ra, cũng
sáng suốt vậy, chứ không phải ngồi thiền định nó sáng. Vừa làm như vậy vừa
Thiền định cũng được vậy.
Nhưng mà đối với những
bậc tu lâu hơn, cái người mới đó hữu ích lắm, giúp cho người được sức khỏe và
giúp cho người được cái tính kiên nhẫn, làm cái đó một ngày: hai, ba ngàn cái
đó, tối công phu bền bỉ lắm.
Các động tác sau đây
được giữ nguyên từ đầu cho đến chấm dứt buổi Thể dục trợ luân.
- Co lưỡi: Chót lưỡi co lên chạm nướu và chân răng hàm trên.
- Răng kề răng: Rang cửa hàm trên và răng cửa hàm dưới cắn
nhẹ với nhau. - Miệng ngậm: bình thường. -
Mắt nhắm: ý nhìn thẳng vể phía trước từ điểm giữa hai chân mày còn gọi là ấn
đường.
TÓM LƯỢC CÁC ĐỘNG TÁC
THỰC HÀNH
- Đứng thẳng trên tấm lót hoặc có mang
giày dép (không để chân trần tiếp xúc mặt đất hay nền gạch). Dang hai chân
ngang tầm vai, đặt hai chân song song.
- Co
mười đầu ngón chân bấm xuống mặt đất (có trãi miếng lót hoặc có mang
giày dép), gồng cứng từ bàn chân tới thắt lưng, thót hậu môn.
- Nhìn tập trung vào một điểm phía trước
hơi cao hơn tầm mắt, khép môi và răng, cong lưỡi đặt lên vòm họng chạm nướu và
chân răng.
- Hai tay buông thõng, khép các ngón tay
lại.
- Đánh nhẹ hai tay ra sau cao hết mức
(vẫy hai bàn tay cong lên), đồng thời nhíu thót hậu môn lên.
- Thả hai tay theo đà rơi về phía trước
(khi thả không dùng sức, chỉ nương theo quán tính, tay đưa tới góc khoảng 30 độ
- xem hình), hai mu bàn tay cong lên.
- Thời gian của động tác vẫy ra sau cộng
với thả về trước khoảng 1 giây. Thở nhẹ tự do hoặc theo nhịp (nếu theo nhịp thì
có thể hít vào khi vẫy tay ra sau đồng thời thót hậu môn).
- Sau buổi tập, đi tới lui thư giản vài
bước rồi xoa bóp nhẹ các đầu ngón chân mỗi ngón 9 lần.
- Những buổi tập đầu tiên có thể chỉ cần
150 hay 200 nhịp vẫy rồi tăng dần để kiểm tra các sai lệch hoặc thiếu sót, và
cũng để cơ thể thích ứng từ từ.
- Buổi tập căn bản nên đạt được 1800 cái
vẫy hay khoảng 30 phút.
- Không tập nơi đầu gió. Không tập lúc
bụng đói hoặc bụng no. Không cố tập thêm khi mệt.